Lá sen là một trong những vị thuốc nam có tính ứng dụng cao, được sử sụng rộng rãi trong đời sống hằng ngày. Đại đa số mọi người thường nghĩ rằng lá sen tốt, nhưng để thực sự hiểu công dụng của lá sen đối với sức khỏe thì không phải ai cũng biết.

Việc dùng thảo dược đúng bệnh, đúng thuốc là phác đồ điều trị phù hợp, rút ngắn thời gian điều trị nhất. Do vậy, chúng ta cần hiểu rõ thông tin về lá sen để dùng đúng lúc, đúng chứng bệnh. Sử dụng hiệu quả tối ưu lá sen, tránh lạm dụng hoặc dùng không đúng vì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Uống nước lá sen khô có tác dụng gì?
Theo y học cổ truyền, lá sen vị khổ (đắng), hơi chát, tính mát, lợi về kinh can, tỳ, vị. Lá sen có công dụng giúp sức cho tỳ, vị, nâng cao trung khí, hạ nhiệt, làm tan ứ tụ và cầm máu. Phù hợp điều trị nôn ra máu, đổ máu cam, đại tiện ra máu, miệng khát, tâm phiền, phù thũng máu tụ, băng huyết, hỗ trợ giảm trọng lượng cơ thể.
Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, lá sen có tác dụng hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu; hỗ trợ giảm tổn thương gan; ức chế hấp thu chất béo vào cơ thể; tăng tốc độ chuyển hóa và tăng tiêu hao năng lượng...

Trên lâm sàng lá sen dự phòng cao huyết áp, xơ vữa động mạch, mỡ máu cao. Người cao tuổi sức khỏe yếu, người bệnh mạch vành tim và viêm túi mật, tai biến mạch máu não…nên sử dụng lá sen.
Công dụng của lá sen
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch: Lá sen chứa các flavonoid và alkaloid có khả năng làm giảm cholesterol xấu (LDL) và triglyceride trong máu, đồng thời tăng cholesterol tốt (HDL). Điều này giúp ngăn ngừa sự hình thành mảng bám trong động mạch, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, cao huyết áp và các bệnh tim mạch khác. Việc sử dụng lá sen có thể góp phần bảo vệ trái tim khỏe mạnh.
Chữa mất nước: Ai trong chúng ta cũng có nguy cơ mất nước, nhất là người ốm sốt và bị tiêu chảy. Tình trạng này có thể khắc phục bằng cách lấy lá sen non rửa sạch, để ráo nước rồi xay nhuyễn, chắt lấy nước chia thành nhiều lần để uống trong ngày.
Hỗ trợ tiêu hóa: Hệ tiêu hóa khỏe mạnh là nền tảng cho một cơ thể khỏe mạnh. Lá sen với tính mát và các hoạt chất đặc biệt có thể mang lại nhiều lợi ích cho hệ tiêu hóa. Nó có khả năng thanh nhiệt, giải độc, giúp làm dịu các kích ứng trong đường ruột và cải thiện chức năng tiêu hóa. Một tách trà lá sen ấm sau bữa ăn có thể giúp giảm các triệu chứng khó tiêu, đầy bụng, ợ hơi và tạo cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái.

Làm đẹp da: Lá sen còn được dùng để rửa mặt vì có chứa hoạt chất oxy hóa tự nhiên giúp loại bỏ tạp chất, bã nhờn, bụi bẩn, tế bào chết và tiêu diệt vi khuẩn bám trên da. Không những thế, cách làm này còn điều tiết khí huyết, tăng lưu thông máu để da có vẻ đẹp mịn màng hơn.
Kháng viêm: Các nghiên cứu sơ bộ cũng cho thấy lá sen có chứa các hợp chất có khả năng kháng viêm tự nhiên. Điều này có thể giúp giảm sưng tấy, đau nhức và hỗ trợ trong việc điều trị các tình trạng viêm nhiễm nhẹ trong cơ thể. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu để xác nhận đầy đủ hiệu quả kháng viêm của lá sen.
Đối tượng không nên dùng lá sen
Lá sen là một dược liệu rất tốt cho sức khỏe nhưng cần phải lưu ý các đối tượng không nên dùng lá sen như:
Người có tiền sử huyết áp thấp không nên dùng do không kiểm soát được mức độ hạ áp mà lá sen mang lại.
Phụ nữ mang thai và cho con bú không nên dùng lá sen.

Người có thể trạng hàn (chân, tay lạnh) do có thể làm tăng tính hàn của cơ thể, khiến tim đập nhanh, gây bứt rứt, khó chịu.
Lưu ý khi dùng lá sen
Bạn nên tham khảo những lưu ý sau để sử dụng lá sen một cách hiệu quả nhất.
Không dùng lá sen với các sản phẩm giảm cân khác, vì có thể giảm cân quá mức ảnh hưởng đến cơ thể.
Không nên sử dụng dài ngày vì có thể gây nên tình trạng tiêu chảy.
Thời gian sử dụng lá sen thích hợp nhất là trước ăn 30 phút hoặc sau ăn 1 giờ.