Sầu riêng là một loại trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Đông Nam Á với kích thước lớn, vỏ ngoài cứng, nhiều gai nhọn bao phủ. Trái sầu riêng có thể dài tới 30cm, rộng 15cm với phần thịt có màu vàng hoặc trắng.

Sầu riêng phát triển rộng rãi ở các khu vực nhiệt đới trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Mùi vị sầu riêng khá nồng, có thể gây ra các phản ứng khác nhau ở mỗi người từ "khó chịu" đến "nghiện".
Loại quả này cũng có nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe, nhưng không phải ai ăn sầu riêng cũng tốt. Thậm chí với một số người mắc bệnh hoặc khi ăn sầu riêng kết hợp với một số thực phẩm 'đại kỵ' có thể gây hại cho cơ thể.
Công dụng của quả sầu riêng
Tăng cường hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa ung thư: Sầu riêng chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, phức hợp vitamin B, vitamin E và các dinh dưỡng thực vật giúp giảm căng thẳng oxy hóa trên các cơ quan, tăng cường hệ miễn dịch và chống lại tế bào ung thư.
Giúp duy trì xương khỏe mạnh: Sầu riêng chứa một số kim loại vi lượng bao gồm canxi và kali. Mặc dù lượng canxi trong sầu riêng rất thấp nhưng lượng kali có trong sầu riêng vẫn đáp ứng được khoảng 9% nhu cầu hàng ngày của cơ thể.

Chống lão hóa: Sầu riêng có nhiều đặc tính chống oxy hóa bắt nguồn từ vitamin và thành phần hóa học hữu cơ, giúp giảm tích cực lượng gốc tự do trong cơ thể. Nó làm giảm nguy cơ lão hóa sớm và trì hoãn sự xuất hiện của các triệu chứng như nếp nhăn, đốm đồi mồi, thoái hóa điểm vàng, rụng tóc, lung lay răng, viêm khớp, ung thư và bệnh tim.
Giảm tình trạng thiếu máu và thúc đẩy thai kỳ khỏe mạnh: Sầu riêng chứa lượng folate hoặc axit folic cao rất cần thiết trong việc sản xuất huyết sắc tố. Hơn nữa, sự hiện diện của folate trong sầu riêng quan trọng với phụ nữ mang thai, vì nó thúc đẩy sự phát triển mô thường xuyên cũng như bảo vệ não và cột sống của thai nhi đang phát triển.
Lưu ý 4 không khi ăn sầu
Thứ nhất, không ăn loại trái cây này khi uống bia rượu và các thức uống có cồn khác: Các hợp chất trong sầu riêng có thể ngăn chặn một số enzyme phân hủy rượu, làm tăng nồng độ cồn trong máu dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa và tim đập nhanh…
Thứ hai, không ăn cùng hải sản: Nếu sau bữa ăn với cua, ghẹ, tôm, mực, bạn thưởng thức thêm sầu riêng có thể dẫn tới đau bụng, rối loạn tiêu hóa. Theo Đông y, sầu riêng có tính nóng, hải sản có tính lạnh và bạn dùng chung hoặc ngay sau khi ăn sẽ dẫn tới các vấn đề về sức khỏe. Thứ ba, không ăn sau khi thưởng thức nhiều thịt đỏ: Sầu riêng chứa rất nhiều calo, carbohydrate và kết hợp chung một lượng lớn protein từ các loại thịt đỏ sẽ tạo áp lực lớn lên hệ tiêu hóa. Lượng đường từ sầu riêng vầ đạm động vật bạn nạp vào gây hại cho tim mạch, làm gan thêm gánh nặng, dễ sinh độc, phản ứng với cơ địa yếu.

Thứ tư, không ăn sầu riêng cùng với uống nước ngọt có ga và chất caffeine: Nếu kết hợp các đồ uống này cùng sầu riêng sẽ xảy ra một số phản ứng hóa học, tạo nên các chất độc hại cho hệ tim mạch.
Để ăn sầu riêng tốt cho sức khỏe, bạn phải biết cách. Bạn nên ăn vào ban ngày, khi dương khí trong cơ thể đang mạnh, giúp tiêu hóa dễ dàng hơn. Tránh ăn buổi tối, khi tỳ vị đã yếu, âm khí đang lên, dễ gây đầy bụng, mất ngủ. Ăn mỗi lần 1-2 múi là đủ. Với người thể nhiệt, hay nổi mụn, táo bón, một tuần chỉ nên ăn một lần, ăn ít.
Ngoài ra, để “hóa giải” tính nóng của sầu riêng, bạn có thể ăn kèm với chút muối mè, hoặc sau khi ăn thì uống thêm trà xanh nhạt, nước bột sắn dây, quả thanh long giúp điều hòa khí huyết, dễ tiêu hóa.
Với người thể hàn, gầy yếu, mới ốm dậy, sầu riêng là một cách để bồi bổ nguyên khí, có thể dùng kết hợp trong các món ăn như cháo sầu riêng giúp tiêu hóa tốt hơn. Ngược lại, với người cao huyết áp, gan nhiễm mỡ, tiểu đường thì nên thận trọng, tốt nhất là hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.