Theo thông tin từ báo Tiền Phong, dựa vào thống kê mới nhất từ Bộ Y tế, cả nước ghi nhận 148 trường hợp mắc COVID-19 tại 27 tỉnh, thành phố, chủ yếu là các ca bệnh rải rác, không ghi nhận ổ dịch tập trung hay ca tử vong.
Đáng chú ý, trung bình trong ba tuần gần đây, mỗi tuần có khoảng 20 ca mắc mới. Bộ Y tế cho biết đã tăng cường công tác giám sát dịch, chủ động phòng, chống lây lan tại cộng đồng và sẵn sàng điều trị hiệu quả các ca bệnh, đặc biệt với những người thuộc nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền…

Theo thông tin từ Báo Công Thương, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (nay là Cục Phòng bệnh), Bộ Y tế cho biết, hiện nay, Covid-19 là bệnh lưu hành, được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B. Bệnh không mất đi, vì thế sẽ có lúc tăng, lúc giảm số ca mắc, thậm chí có tính chất chu kỳ như cúm.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, tình hình hiện nay chưa có dấu hiệu đáng lo ngại. "Dịch vẫn tồn tại trong cộng đồng với các ca bệnh rải rác nhưng chưa ghi nhận trường hợp nặng hay tử vong", ông nói.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, biến thể đang lưu hành chủ yếu của Covid-19 hiện vẫn là chủng nhẹ của Omicron. Tuy nhiên, nhóm có nguy cơ cao như người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai... vẫn cần đặc biệt lưu ý, bởi khi mắc bệnh, những đối tượng này có thể chuyển nặng và cần nhập viện.
Chia sẻ quan điểm về cách ly trong phòng, chống dịch Covid-19, PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định, đây là một trong những biện pháp quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh tính linh hoạt trong thực hiện: "Việc cách ly không nên kéo dài quá mức cần thiết nhằm tránh gây ảnh hưởng đến đời sống và công việc của người dân".

Bộ Y tế khuyến cáo: Người mắc COVID-19 điều trị ngoại trú nên tự cách ly tại nơi lưu trú ít nhất 5 ngày, đeo khẩu trang đến hết ngày thứ 10 để tránh lây nhiễm cho người khác; khi có triệu chứng nghi ngờ, người bệnh và người tiếp xúc gần cần đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; người chăm sóc hoặc ở cùng nhà cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh, vệ sinh thường xuyên các bề mặt như tay nắm cửa, bàn ghế, thiết bị cầm tay…
Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch: Đeo khẩu trang ở nơi công cộng, phương tiện giao thông công cộng và cơ sở y tế; hạn chế tụ tập nơi đông người nếu không cần thiết; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; giữ gìn sức khỏe, nâng cao thể trạng, ăn uống đủ chất và vận động hợp lý; khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời.Ngoài ra, người dân trở về từ các quốc gia đang có số ca mắc COVID-19 tăng cao như Brazil, Anh, Thái Lan… nên chủ động theo dõi sức khỏe, hạn chế tiếp xúc gần để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Bộ Y tế khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để theo dõi sát diễn biến dịch bệnh toàn cầu và sẵn sàng áp dụng các biện pháp phù hợp, hiệu quả nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng.