Mồng tơi là món ăn dân dã rất quen thuộc trong mâm cơm gia đình Việt với những món ăn ngon như canh mồng tơi, mồng tơi xào tỏi… Rau mồng tơi chứa nhiều vitamin và khoáng chất, bao gồm vitamin A, C, K, acid folic, kali, canxi, sắt và magiê. Đặc biệt, mồng tơi còn chứa nhiều chất chống oxy hóa như flavonoid và carotenoid, giúp bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do và nguy cơ ung thư.

Theo Đông y, mồng tơi có tính hàn, vị chua, tán nhiệt, bổ huyết, lợi tiểu, giải độc, đẹp da… rất thích hợp để giải nhiệt trong mùa nóng. Theo Tây y, ở trong mồng tơi còn chứa chất nhầy pectin rất quý. Chất này có tác dụng phòng chữa nhiều bệnh như giúp nhuận tràng, thải chất béo nhằm chống béo phì, thích hợp cho người có mỡ và đường cao trong máu.
Công dụng của rau mồng tơi đối với sức khỏe
Phòng ngừa loãng xương: Trong rau mồng tơi có canxi - khoáng chất thiết yếu đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là hệ xương khớp. Việc bổ sung loại rau này thường xuyên giúp xương, răng và móng của bạn chắc khỏe hơn, giảm thiểu nguy cơ loãng xương và gãy xương ở người cao tuổi.
Tăng cường chức năng miễn dịch: Rau mồng tơi rất giàu vitamin C, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, tăng cường hệ miễn dịch, đồng thời hỗ trợ quá trình hồi phục và làm lành vết thương. Khi hệ miễn dịch được tăng cường, nó sẽ giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn và virus, phòng ngừa cảm lạnh, bảo vệ sức khỏe tổng thế.

Ngăn ngừa xơ vữa động mạch: Chất xơ trong mồng tơi giúp giảm hấp thu cholesterol xấu (LDL) từ thức ăn, từ đó ngăn ngừa xơ vữa động mạch và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Trong rau mồng tơi cũng có nhiều vitamin C, có tác dụng chống oxy hóa và loại bỏ các gốc tự do, giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh tim mạch.
Ngăn ngừa lão hóa: Trong rau mồng tơi có chứa beta-carotene – đây là chất giúp chống oxy hóa, giúp loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể và ngăn ngừa lão hóa. Ngoài ra, beta carotene là tiền chất của vitamin A, tốt cho thị giác, tăng sức đề kháng.
Lưu ý khi ăn rau mồng tơi
Rau mồng tơi khi kết hợp với thịt bò: Kết hợp rau này và thịt bò sẽ mất đi tính nhuận tràng, tiêu hóa kém hơn. Những người bị táo bón nếu kết hợp hai thực phẩm này với nhau sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng.

Không ăn rau mồng tơi sống: Mồng tơi khi ăn sống sẽ gây đầy bụng, khó tiêu, đó là lý do theo kinh nghiệm dân gian, loại rau có nhiều chất nhầy này cần được nấu chín kỹ. Chưa kể, việc nấu chín kỹ mồng tơi rồi mới ăn cũng giúp bạn tận dụng tối đa những chất dinh dưỡng trong loại rau này. Do đó tuyệt đối không được ăn mồng tơi sống.
Không ăn rau mồng tơi để qua đêm: Nhiều gia đình có thói quen ăn canh rau mồng tơi không hết thường để qua đêm để ăn cho bữa sau. Đây là thói quen cực nguy hiểm nói chung. Nguyên nhân là hàm lượng nitrat trong rau xanh khá nhiều, nếu nấu xong để quá lâu, vi khuẩn bị phân hủy, lượng nitrat sẽ tạo thành nitrite – chất gây ung thư. Khi nitrite được đưa vào dạ dày qua ăn uống sẽ hình thành N-nitroso. Hợp chất này có thể gây các căn bệnh ung thư như thực quản, dạ dày và bệnh ở hệ tiêu hóa.