Phụ nữ sau sinh thường mách nhau sử dụng chè vằng để bồi bổ sức khoẻ và tăng cường khả tiết sữa, vậy chè vằng là gì và tác dụng thật của nó ra sao?

Chè vằng là gì?
Chè vằng có đường kính thân không quá 6mm, cuống tròn, mũi nhọn, phân nhánh nhiều. Cây chè vằng thuộc họ dây leo (có 3 loại), mọc thành bụi và thường xuất hiện ở vùng đồi núi cao. Ông bà ta ngày xưa hay hái chè vằng về làm sạch, phơi khô để cất uống dần, có tác dụng trị mụn viêm, sưng vú hay giảm các vết côn trùng cắn... Có nhiều cách chế biến chè vằng nhưng thường thấy nhất là ở hai dạng khô hoặc nấu cao.
Công dụng của chè vằng đối với sức khoẻ
Trong chè vằng có chứa chất glycosit vị đắng giúp kích thích sự ngon miệng. Các thành phần khác như terpenoit, flavonoit… có tác dụng kháng khuẩn, hoạt huyết, tiêu viêm, giúp gia tăng máu huyết, làm co rút tử cung nhanh, thanh lọc cơ thể, kích thích sản phụ có được nhiều sữa và ngủ ngon giấc.
Trong một nghiên cứu của trường Đại học Dược Hà Nội áp dụng với hơn 200 sản phụ cho thấy, không cần sử dụng thuốc kháng sinh mà có thể thay thế bằng chè vằng trong trường hợp đẻ thường, hoặc giảm 50% trong trường hợp đẻ khó. Đặc biệt, dùng chè vằng thường xuyên sẽ giúp tiêu mỡ, bụng nhỏ, người ấm áp, mỡ máu hạ, huyết áp ổn định và ăn ngủ tốt. Chè vằng cũng có thể dùng được cho nam giới để giảm béo bụng.

Không nên lạm dụng
Dù là loại thảo dược tốt cho sức khoẻ nhưng nếu dùng quá liều thì chè vằng vẫn có những tác hại xấu. Nếu uống ở liều cao và quá đặc trong thời gian dài có thể dẫn đến hiện tượng tắc sữa. Liều dùng thích hợp được bác sĩ khuyên dùng là từ 20-30g lá mỗi ngày. Bạn nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng trên thị trường để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Chè vằng có vị đắng nhưng sau khi uống sẽ thấy ngọt với mùi thơm dễ chịu, dù không quen được vị đắng, người dùng cũng có thể uống được trong những lần đầu sử dụng. Hoặc bạn có thể thêm 1 ít đường để dễ uống nhưng tốt nhất vẫn nên uống nguyên chất để có tác dụng tốt.
Cách chế biến chè vằng khô
- Lấy khoảng 50g chè vằng khô đổ thêm 2 lít nước, đun sôi trong vòng 15 phút, để nhỏ lửa cho chất trong cây tiết ra.
- Lá chè vằng sau khi nấu đợt đầu vẫn có thể đun lại dùng ở các lần tiếp theo (2-3 lần nữa).
- Nên nấu chè vằng và dùng trong ngày, không nên để qua đêm.