Xin bác sĩ giấu kín việc "không có tinh trùng"
Nhiều năm đồng hành với các cặp vợ chồng hiếm muộn, TS. Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng bộ môn Mô - Phôi, Đại học Y Hà Nội cho biết hiện nay kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) vẫn là phương pháp hỗ trợ sinh sản hiệu quả cho các vợ chồng hiếm muộn. Tỷ lệ thành công của các ca được thực hiện tại đây tới 51,6%.
Tuy nhiên, để kỹ thuật này thực hiện thành công, các bác sĩ phải trải qua công đoạn vô cùng quan trọng. Đó là đi “bắt” tinh trùng khỏe mạnh.
Với người bình thường, công đoạn này không hề khó khăn. Nhưng với những ca “khó nhằn” là những người đàn ông không hề có “con giống”, đây lại là công đoạn vô cùng "hại não, đau mắt".
“Bởi thực tế có những người đàn ông dù xuất tinh bình thường nhưng họ không hề có tinh trùng trong tinh dịch. Đây là nỗi khổ khó nói của họ, thường nhờ bác sĩ giấu kín vì xấu hổ", TS. Mạnh Hà nói.

Để ước mơ làm cha của họ thành hiện thực, các bác sĩ vô cùng gian nan “đi bắt con giống”. Trường hợp của chị Thanh (32 tuổi, Hà Nội) vẫn khiến các bác sĩ ở đây nhớ mãi.
Dù nội tiết, buồng tử cung và hai vòi trứng của chị hoạt động tốt thế nhưng lấy chồng 5 năm, chị vẫn chưa có con. Vợ chồng chị quyết định đi khám vô sinh hiếm muộn để tìm hiểu lý do và điều trị.
Đến khi nhận kết quả từ tay bác sĩ, chị Thanh mới tá hỏa hóa ra nguyên nhiên khiến chị bao lâu nay vẫn chưa thể thụ thai vì chồng không có tinh trùng trong tinh dịch. Trước đây, anh đã từng có tiền sử bị bệnh quai bị.
Các bác sĩ đã tiến hành thủ thuật Pesa để lấy tinh trùng từ sinh thiết mảnh mào tinh. Vợ chồng chị đã từng xác định nếu phương pháp này không đem lại hiệu quả như mong muốn thì sẽ đi xin tinh trùng. Người chồng lâm vào bước đường cùng cũng chấp nhận điều đó để có con.
“Thật may mắn số lượng tinh trùng thu được rất kém nhưng vẫn đủ điều kiện làm thụ tinh trong ống nghiệm. Chúng tôi phải trữ đông để bảo quản số tinh binh ít ỏi đó”, TS. Hà chia sẻ.

Sau khi thụ tinh trong ống nghiệm bằng phương pháp tiêm tinh trùng vào trứng, các bác sĩ thu được 15 phôi, chuyển 3 phôi tươi vào buồng tử cung người vợ.
Cặp vợ chồng này đã đi đủ mọi cung bậc cảm xúc, để rồi đến khi họ có tin vui đậu thai và điều không ai ngờ là từ số tinh trùng ít ỏi của chồng, người vợ đã mang song thai. Cả hai thai nhi đều khỏe mạnh, phát triển bình thường.
Tưởng chừng niềm hy vọng làm cha đã kết thúc, thế nhưng bằng phép màu của y học, người đàn ông không có “con giống” đã đạt được ước nguyện của mình.
Những ai nên trữ đông tinh trùng?
Theo TS Mạnh Hà nhận định, hiện có rất nhiều căn bệnh làm ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng của nam giới.
Điển hình trong đó là bệnh quai bị ở tuổi trưởng thành, ung thư hoặc bệnh lý đặc biệt như xuất tinh ngược dòng vào bàng quang, không có tinh trùng. Stress cũng là thủ phạm khiến chất lượng tinh trùng suy giảm.
Theo đó, tinh trùng yếu, dị tật đầu - cổ - đuôi, có trường hợp dị tật tinh trùng có tới 5 đuôi hoặc đầu to
“Những đối tượng này nên trữ đông tinh trùng, đặc biệt là người bị bệnh quai bị ở tuổi trưởng thành, người bị bệnh ung thư, làm việc ở nhiệt độ cao liên tục. Nên trữ đông tinh trùng khi còn khỏe hoặc trước khi đi chữa bệnh, khi muốn có con chỉ cần chờ vợ rụng trứng là có thể thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, sinh con khỏe mạnh. Hãy yên tâm trữ đông tinh trùng một năm hay 10 năm thì chất lượng vẫn không bị biến đổi”, TS. Hà nhấn mạnh.